Mở Quán Cafe Cần Những Gì, Nên Bắt Đầu Từ Đâu?

Mở quán cafe cần những gì, nên bắt đầu từ đâu?

Mở quán cafe đang là xu hướng kinh doanh cực hot trong thời gian gần đây, với sự thành công của những thương hiệu lớn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đối với các chủ cửa hàng, là bao nhiêu vốn là đủ để kinh doanh? Những ý tưởng nào nên cân nhắc khi mở quán? Hay những điều cần biết như giấy phép kinh doanh, nguyên liệu, máy móc, rủi ro,… Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất tần tật mọi thắc mắc của bạn về kinh doanh quán cafe.

 

1. Mở quán cafe cần bao nhiêu vốn?

Với bất kỳ một start-up nào, họ cũng chung nhau một thắc mắc lớn: Cần bao nhiêu vốn cho đủ để mở quán cafe? Theo lời khuyên của Shopkeep, số tiền bạn cần bỏ ra ban đầu phụ thuộc rất nhiều vào mặt bằng, vị trí địa lý, và ý tưởng kinh doanh quán cafe.

Kinh doanh cafe. Điều đầu tiên bạn cần phải chú ý, đó chính là xác định nguồn vốn. Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn về số vốn cần thiết khi mở quán cafe:

1.1. Mở quán với 200 triệu

Quán cafe vốn 200 triệu

Với số vốn 200 triệu, bạn hoàn toàn có thể mở một quán cafe với mặt bằng đẹp tại trung tâm lớn tại Hà Nội như khu vực hồ Tây, Hoàn Kiếm hoặc khu vực quận 1, quận 3 tại TP. HCM.

Nguồn tiền dồi dào cũng giúp bạn có thể triển khai nhiều ý tưởng kinh doanh cafe hơn, như cafe tầng thượng, cafe sân vườn, cafe kết hợp kinh doanh bánh ngọt, cafe công sở, cafe theo sở thích (cafe bóng đá, sách, thú cưng,…).

Về mặt bằng, bạn có thể tự tin thuê những cửa hàng có diện tích trên 50 m2, gồm 2 tầng. Bạn cũng có đủ kinh phí để sắp xếp nội thất và bài trí quán theo định hướng của mình.

1.2. Vốn 100 triệu mở quán cafe

Chủ quán cafe sẽ bị đắn đo suy nghĩ về mặt chi phí hơn với số vốn chỉ trong tầm 100 triệu. Bạn nên cân nhắc lựa chọn những con phố rộng, nhưng không thuộc khu vực trung tâm, như ở khu Cầu Giấy, Thanh Xuân (Hà Nội), khu vực lân cận, ven đô tại TP. HCM.

Mặt bằng kinh doanh của quán cafe cũng sẽ bị bó hẹp hơn, trong khoảng 20 – 50 m2, có thể chỉ trong 1 tầng. Ý tưởng kinh doanh bạn nên lưu tâm là cafe truyền thống. Cafe theo chủ đề (bóng đá, sách,…) cũng là lựa chọn không tồi, nhưng bạn nên cân nhắc vấn đề vốn khi triển khai ý tưởng và bắt tay bài trí cửa hàng.

1.3. Nguồn vốn mở quán từ 50 triệu đổ xuống

Quán cafe vốn vừa và nhỏ

Trong trường hợp này, bạn nên cân nhắc mở quán cafe ngay tại nhà mình, hoặc thuê các vị trí mặt bằng có diện tích dưới trong khoảng 15 – 20 m2.

Hợp lý nhất trong nguồn ngân sách này, bạn nên mở quán cafe dưới dạng takeaway (mang đi), cafe có không gian ấm cúng, nhỏ nhắn, cafe tận dụng vỉa hè, cafe cóc,…

Vì bị bó hẹp trong lượng kinh phí có hạn, bạn cũng nên cân nhắc việc trang trí họa tiết cửa hàng sao cho phù hợp. Nhưng cũng đừng vì vậy mà bỏ qua công đoạn design. Vì việc trang trí nội thất cho quán cafe có tác động rất lớn tới ấn tượng ban đầu và hành vi của khách hàng.

>>> Tìm hiều thêm: Hướng Dẫn Cách Quản Lý Chi Phí Kinh Doanh Hiệu Quả

2. Lựa chọn mô hình phù hợp để mở quán cafe

Sau khi xác định số vốn mình bỏ ra để mở quán, giờ đã đến lúc bạn lên ý tưởng quán cafe. Có rất nhiều mô hình lý tưởng để bạn phải cân nhắc lựa chọn. Dưới đây là một vài gợi ý có thể giúp cho việc đưa ra quyết định của bạn:

2.1. Cafe bình dân

Cafe bình dân

Những quán cafe nhỏ bình dân, chỉ với một chiếc TV, với vài ba chiếc ghế, chiếc bàn ngồi uống cafe là một ý tưởng kinh doanh không tồi, nếu không muốn nói là hợp lý dành cho những chủ tiệm có nguồn vốn hạn chế.

Ưu điểm:

  • Thích hợp với những chủ quán cafe có nguồn vốn hạn hẹp (trong khoảng từ 20 đến 50 triệu đồng).
  • Dễ dàng xây dựng không gian gần gũi, thoải mái, thư giãn và ấm cúng.
  • Tiết kiệm được nhiều khoản chi phí hoạt động, như chi phí nhân công, nội thất, bài trí, chi phí mặt bằng,…

Nhược điểm:

  • Không có nhiều điểm đặc sắc so với các đối thủ cạnh tranh.
  • Thị trường cho phân khúc cafe bình dân đang dần bão hòa, với bất kỳ ai có đủ nguồn vốn cũng có thể mở quán.
  • Khả năng mở rộng kinh doanh thành franchise thấp.
  • Đối tượng khách hàng không rõ ràng

2.2. Cafe 24/24

Cafe xuyên đêm

Mô hình quán cafe xuyên đêm là xu hướng kinh doanh mới trong thời gian gần đây, với đối tượng khách hàng mục tiêu là giới trẻ, trong độ tuổi từ 18 – 34. Quy định cho phép các loại hình kinh doanh đặc thù được hoạt động tới 2h đêm của chính quyền các thành phố lớn cũng là động lực giúp các quán cafe 24/24 ra đời và phát triển

Ưu điểm:

  • Xác định tốt đối tượng khách hàng mục tiêu.
  • Có nhiều điểm đặc sắc so với các đối thủ cạnh tranh (về thời gian phục vụ).

Nhược điểm:

  • Gặp nhiều vấn đề về thiếu hụt nhân lực, vấn đề quản lý quán cafe
  • Có thể phải phục vụ nhiều đối tượng khách hàng phức tạp.
  • Vẫn có thể phải gặp nhiều khó khăn về mặt hành chính, hoạt động kinh doanh,…
  • Chủ cửa hàng phải đầu tư nhiều vốn vào thiết kế bài trí nội thất quán.

2.3. Cafe kết hợp bán bánh ngọt

Cafe kết hợp bánh ngọt

Khi uống cafe, khách thường có nhu cầu muốn thưởng thức hoặc ngâm nhi một lát bánh ngọt hợp vị. Bạn cũng có thể tận dụng nhu cầu này để kết hợp mô hình quán cafe và bánh kem, nhằm tăng số lượng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ưu điểm:

  • Thích hợp với quán cafe có diện tích rộng, không gian bài trí đẹp mắt.
  • Tối đa hóa doanh thu bằng việc kết hợp bán cafe và bánh ngọt.

Nhược điểm:

  • Chi phí hoạt động, chi phí đầu tư cần lớn hơn mô hình cafe truyền thống.
  • Có thể gặp thiếu hụt về nguồn lực, nhân lực.
  • Áp dụng khó khả thi với các quán cafe với diện tích nhỏ hẹp, mô hình cafe takeaway.

2.4. Cafe theo chủ đề

Cafe thú cưng

Trước sự bão hòa của các loại cafe truyền thống, ngày càng nhiều người tìm đến những quán cafe đặc thù, phục vụ theo chủ đề, sở thích. Bạn cũng có thể tận dụng thời cơ này để kinh doanh cafe sách, cafe thú cưng, cafe bóng đá,…

Ưu điểm:

  • Xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu, dễ dàng bài trí và lên kế hoạch kinh doanh.
  • Có những điểm đặc sắc, khác biệt so với phương thức kinh doanh cafe truyền thống

Nhược điểm:

  • Chi phí bài trí nội thất, đầu tư ban đầu, chi phí quản lý cửa hàng ở mức cao. Đòi hỏi chủ cửa hàng phải có nguồn vốn kinh doanh lớn, ít nhất 100 triệu trở lên.
  • Khó có thể tiếp cận đối tượng khách hàng có sở thích khác với chủ đề đã xây dựng.

2.5. Cafe takeaway

Cafe takeaway

Sự hối hả của cuộc sống khiến con người ta phải sống nhanh, sống bận rộn. Nhu cầu thưởng thức những tách cafe để tỉnh táo trong một ngày làm việc căng thẳng là có thật.

Chính vì vậy, những quán cafe takeaway ra đời để đáp ứng nhu cầu không hề nhỏ của đối tượng nhân viên văn phòng, công sở.

Ưu điểm:

  • Phù hợp với những quán cafe có diện tích hẹp, vốn đầu tư thấp (dưới 50 triệu).
  • Xác định tương đối chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu cần phục vụ.

Nhược điểm:

  • Với những quán cafe có diện tích nhỏ hẹp, thiếu không gian để khách ngồi thư giãn, nghỉ ngơi.
  • Mô hình kinh doanh cafe này dần bão hòa, sự khác biệt trong các quán cafe takeaway tương đối ít.
  • Khó có khả năng mở rộng kinh doanh trong tương lai.

2.6. Cafe bệt, cafe vỉa hè

Cafe vỉa hè

Đây là mô hình kinh doanh cafe dân dã, có thể tận dụng những thế mạnh sẵn có mà không đòi hỏi nguồn vốn lớn, không đòi hỏi mặt bằng kinh doanh rộng. Bạn chỉ cần diện tích cửa hàng trong khoảng 15 – 20 m2, mặt tiền rộng rãi, giáp với khu sông, hồ điều hòa là có thể mở quán cafe vỉa hè của riêng mình.

Ưu điểm:

  • Thích hợp với những chủ quán cafe có nguồn vốn hạn hẹp (dưới 50 triệu đồng)
  • Không gian dân dã, gần gũi, phù hợp mọi đối tượng khách hàng
  • Tiết kiệm được nhiều khoản chi phí hoạt động, như chi phí nhân công, nội thất, bài trí, chi phí mặt bằng,…

Nhược điểm:

  • Không có nhiều điểm đặc sắc so với các đối thủ cạnh tranh.
  • Khó mở rộng hoạt động kinh doanh.
  • Có thể gặp nhiều vấn đề về pháp lý, giấy phép kinh doanh,…

3. Những điều cần biết khi mở quán cafe

Dưới đây là những giải đáp cho thắc mắc của bạn về giấy phép kinh doanh, trang thiết bị, máy móc, nhân sự cần thiết để kinh doanh cafe

3.1. Giấy phép kinh doanh

Để mở quán cafe, bạn cần phải có giấy phép kinh doanh. Thủ tục cấp giấy phép quán khá đơn giản. Theo các điều luật đã quy định, bạn chỉ cần nộp những loại giấy tờ sau:

  • Hồ sơ đăng ký kinh doanh, bao gồm đơn đăng ký, CMND chủ quán và hợp đồng thuê nhà.
  • Hồ sơ xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh bạn nộp tại UBND quận huyện, thành phố nơi quán cafe bạn hoạt động. Hồ sơ giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm bạn nộp tại Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm địa phương nơi bạn đặt địa chỉ quán.

Thông thường, sau khi nộp các giấy tờ có liên quan, sau 3 ngày cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lời và xác nhận hồ sơ đăng ký của bạn. Nếu có sửa đổi hoặc bổ sung về mặt văn bản nào của cơ quan hành chính, bạn cần nộp trong vòng 3 ngày, kể từ ngày có yêu cầu.

3.2. Máy móc, trang thiết bị

Trang thiết bị máy móc

Mở quán cafe yêu cầu bạn phải chuẩn bị rất nhiều máy móc và trang thiết bị. Dưới đây là những trang thiết bị bạn bắt buộc phải có khi kinh doanh cafe, dù mô hình hoạt động là lớn hay nhỏ:

  • Nhóm vật dụng pha chế, bao gồm máy xay, pha cafe, máy xay đá, máy ép hoa quả, máy xay sinh tố, bếp, lò vi sóng, máy đánh trứng, tủ lạnh, tủ nướng,…
  • Nhóm vật dụng pha chế bổ trợ: Dao, chảo, dĩa, thìa, dụng cụ đong nước,…
  • Nhóm vật dụng dụng cụ: Khay đựng đồ, cốc, chén, gạt tàn, giấy ăn, menu…
  • Nhóm vật dụng trang trí: Tủ trưng bày, bàn ghế, biển hiệu, đèn, lọ hoa, kệ sách, tranh ảnh, đồng hồ.
  • Nhóm truyền thông: Standee, card visit quán, poster quảng bá khuyến mãi,…

3.3. Nhân sự quán cafe

Nhân viên quán cafe

Tùy vào mô hình kinh doanh của quán mà bạn có thể bố trí số lượng nhân lực khác nhau, từ 3 đối với các quán cafe nhỏ, cafe bình dân, cho tới khoảng 10 nhân viên cho các quán quy mô lớn.

Nhưng điểm chung của các quán cafe, đó chính là thái độ phục vụ khách niềm nở, nhân viên có đồng phục quán riêng, sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu của khách kịp thời. Điều đó chắc chắn để lại ấn tượng tốt, thân thiện tới khách hàng với quán, khiến họ hài lòng và sẵn sàng quay lại trong thời gian tới.

3.4. Mặt bằng kinh doanh

Mặt bằng kinh doanh

Tùy vào mô hình kinh doanh cafe, bạn có thể lựa chọn những mặt bằng phù hợp:

Với những quán cafe bình dân, cafe mang đi, bạn có thể lựa chọn quán cafe với diện tích mặt bằng trong khoảng 50 m2, có thể ở trong hẻm hoặc ngoài mặt đường, nhưng bắt buộc phải ở khu vực đông dân cư, thích hợp cả với khu vực nông thôn lẫn thành thị.

Với những quán cafe theo sở thích, chủ đề, địa điểm mặt bằng nên ở khu vực thành thị, bởi đối tượng khách hàng của mô hình kinh doanh này đã bị thu hẹp. Diện tích cũng cần lớn hơn để thuận tiện trong việc bài trí nội thất, thể hiện chủ đề riêng biệt.

Dù bạn áp dụng mô hình quán cafe nào, điều quan trọng nhất của loại hình kinh doanh này là phải có view đẹp, có chỗ đỗ và gửi xe, có không gian để khách chờ hoặc ngồi nghỉ.

3.5. Phần mềm quản lý bán hàng

Một trong những vấn đề bạn có thể gặp phải khi kinh doanh cafe, đó chính là lượng khách hàng ra vào nhiều và thường xuyên khiến bạn khó có thể quản lý và phục vụ họ một cách chuyên nghiệp. Giải pháp ở đây là bạn cần một phần mềm quản lý bán hàng – một trong những yếu tố cần có ở một quán cafe – có thể đáp ứng tốt các nhu cầu của khách tại những điểm chạm.

Một số điểm bạn cần lưu tâm:

  • Phần mềm bán hàng phải phù hợp với mô hình kinh doanh và đội ngũ nhân sự của bạn.
  • Nó đáp ứng tính tốc độ và tự động hóa cao trong môi trường phục vụ đòi hỏi sự nhanh và kịp thời như quán cafe.
  • Có thể tích hợp với các kênh bán hàng khác nhau của cửa hàng (như truyền thống, desktop, mobile, app,…).
  • Dữ liệu khách hàng phải được cập nhật trên các hệ thống lưu trữ nhất định (như điện toán đám mây, server vật lý,…).

>>> Đọc thêm bài viết: Top 15 Phần Mềm Quản Lý Bán Hàng Tốt Nhất Hiện Nay. Bạn sẽ chọn cho mình những phần mềm thích hợp nhất cho nhu cầu của mình.

4. Rủi ro có thể gặp phải khi mở quán cafe

Lựa chọn nguyên liêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Giống như bất kỳ loại hình kinh doanh nào, việc mở quán cafe cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà bạn phải lường trước, những rủi ro này bao gồm:

  • Mô hình kinh doanh cafe của bạn bị bão hòa, khó cạnh tranh với những tên tuổi sừng sỏ trong khu vực.
  • Sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm (đồ uống có vật thể lạ, đồ uống có vị/mùi lạ).
  • Thái độ nhân viên để lại ấn tượng xấu cho khách hàng.

Để giải quyết các vấn đề trên, bạn cần thực hiện những giải pháp sau:

  • Lựa chọn những mô hình kinh doanh độc, lạ, ít được quan tâm (như kết hợp cafe với nơi làm việc, cafe theo chủ đề mới lạ, cafe container, cafe sân vườn, cafe vintage, cafe acoustic,…)
  • Kiểm soát nghiêm ngặt các vấn đề về nguyên liệu đầu vào từ những nguồn có chất lượng, quy trình chế biến đồ uống đồ ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Xây dựng quy trình phục vụ và chăm sóc khách hàng đối với nhân viên làm việc trong quán theo bộ quy tắc hành vi rõ ràng, chuyên nghiệp.

Tổng kết

Dù mở quán cafe đang là xu hướng kinh doanh đang nở rộ, vẫn có những điểm bạn cần phải lưu tâm nếu không muốn đứa con xương máu của mình phải đóng cửa trong vòng 1 nốt nhạc: Lựa chọn mô hình quán cafe phù hợp với số vốn mình đầu tư, quan tâm tới các vấn đề về mặt bằng, giấy phép kinh doanh, trang thiết bị và rủi ro có thể gặp phải.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ mang lại những kiến thức bổ ích cho bạn trong việc xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh cafe trong tương lai. Bạn còn những thắc mắc chưa được trả lời? Đừng ngại ngần để lại comment ở phía bên dưới nhé, chúng mình sẽ giải đáp tất tần tật mọi vấn đề bạn còn lăn tăn.