Để được phép thành lập doanh nghiệp, tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật. Phụ thuộc vào yêu cầu và mục đích của hoạt động quản lý nhà nước ở mỗi thời điểm, các điều kiện thành lập doanh nghiệp được kiểm soát theo chế độ tiền kiểm hoặc hậu kiểm.
Tiền kiểm là kiểm tra các điều kiện cần thiết trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan quản lý hữu quan sẽ kiểm tra các điều kiện thành lập doanh nghiệp trước khi quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hậu kiểm là kiểm tra các điều kiện doanh nghiệp cần tuân thủ sau khi doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và đi vào hoạt động.
>> Các bài viết liên quan:
- Các Loại Hình Doanh Nghiệp Ở Việt Nam
- Quy Trình Thành Lập Công Ty, Doanh Nghiệp tại Việt Nam
- Thành Lập Công ty TNHH – Những điều cần biết
Các điều kiện pháp lý mà tổ chức, cá nhân muốn thành lập công ty cần đáp ứng bao gồm:
Nội dung chính trong bài viết
1. Chủ thể thành lập doanh nghiệp
2. Tên của doanh nghiệp
3. Ngành nghề kinh doanh
4. Vốn pháp định của công ty
5. Trụ sở công ty
6. Hồ sơ và lệ phí
1. Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp
Điều kiện về chủ thể đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp là điều kiện thuộc diện hậu kiểm. Chủ thể thành lập doanh nghiệp phải là tổ chức, cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp.
Về cơ bản, các tổ chức, cá nhân không được thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2014 bao gồm:
- Tổ chức không có tư cách pháp nhân
- Cơ quan nhà nươc và đơn vị lực lượng vũ trang
- Cán bộ, công chức hoặc viên chức nhà nước và cán bộ đơn vị lực lượng vũ trang
- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự
- Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc bị toà án cấm hoạt động kinh doanh
- Người bị cấm tham gia thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phá sản và pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Trường hợp công ty được thành lập bởi tổ chức, cá nhân bị cấm thành lập doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi bị phát hiện trong quá trình hậu kiểm.
>>> 12 Lưu Ý Cho Người Chuẩn Bị Khởi Nghiệp
2. Điều kiện về tên của doanh nghiệp
Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông sáng lập cần nêu tên doanh nghiệp trong đơn đề nghị gửi cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tên của doanh nghiệp bao gồm 2 bộ phận, tiền tố thể hiện loại hình doanh nghiệp (Ví dụ “Công ty TNHH” hoặc “Công ty trách nhiệm hữu hạn”; “Công ty cổ phần” hoặc “Công ty CP”) và hậu tố là tên riêng của doanh nghiệp.
Tên riêng của doanh nghiệp không nhất thiết phải có mối quan hệ với tên chủ doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông sáng lập. Tên riêng của doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành nghề kinh doanh (ví dụ: “Dịch vụ chở hàng A”) hoặc hình thức đầu tư (ví dụ “Đầu tư bất động sản B”) nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó.
3 hạn chế về tên doanh nghiệp
Luật doanh nghiệp 2014 quy định 3 hạn chế cơ bản áp dụng đối với tên doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh có thể từ chối không đăng ký tên doanh nghiệp khi vi phạm các hạn chế này.
Thứ nhất, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác trên phạm vi toàn quốc. Yêu cầu này không chỉ áp dụng với tên tiếng Việt mà còn áp dụng với cả tên tiếng nước ngoài của doanh nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ áp dụng đối với tên của doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam.
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam về lý thuyết có thể đặt trùng tên hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp nước ngoài, trừ trường hợp doanh nghiệp nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam.
Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. Tên của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được coi là gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký khi:
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký
- Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký
- Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
Thứ hai, không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc tổ chức chính trị – xã hội, trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Thứ ba, tên doanh nghiệp không được sử dụng từ ngữ hoặc ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không có hướng dẫn cụ thể hơn về thế nào là “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Do đó, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền quyết định tương đối rộng trong việc đồng ý hay từ chối tên riêng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể có tên bằng tiếng nước ngoài và phải đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất, tên doanh nghiêp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt. Thứ hai, tiếng nước ngoài phải là tiếng theo hệ chữ latin. Tên nước ngoài không thể sử dụng tiếng không theo hệ chữ latin như tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
>>> Bí Quyết Đặt Tên Thương Hiệu
3. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh là yếu tố được rà soát khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục các ngành nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cấm kinh doanh đối với các hàng hoá, dịch vụ sau đây:
- Các chất ma tuý (chi tiết được quy định tại Phụ lục I của Luật đầu tư 2014);
- Các loại hoá chất, khoáng vật (chi tiết được quy định tại Phụ lục I của Luật đầu tư 2014);
- Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loại thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật đầu tư 2014;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ.
4. Điều kiện về vốn pháp định công ty
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu do pháp luật quy định đối với một số ngành nghề kinh doanh, được quy định trong pháp luật chuyên ngành như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, pháp luật về các tổ chức tín dụng…
Đối với những ngành nghề cần có đủ vốn pháp định như trên, nhà đầu tư phải đảm bảo mức vốn này từ khi thành lập và phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Mức vốn pháp định được xác định cụ thể theo quy định của pháp luật đối với các ngành nghề nêu trên.
>>> Hướng Dẫn Chọn Vốn Điều Lệ Cho Công Ty
5. Điều kiện về trụ sở công ty
Doanh nghiệp cần có trụ sở chính là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác định được bao gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra còn cần thêm số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Một điểm cần lưu ý là Luật nhà ở hiện hành có quy định cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Do đó, trụ sở của doanh nghiệp không được phép đặt tại các căn hộ chung cư.
>>> 5 Thành Phố Khởi Nghiệp Tuyệt Vời Nhất Thế Giới
6. Điều kiện về hồ sơ và lệ phí
Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ và nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ hợp lệ là bộ hồ sơ có đủ các giấy tờ theo quy định và các giấy tờ được khai đúng và đủ. Tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp được thành lập, nhà đầu tư cần chuẩn bị bộ hồ sơ với các loại giấy tờ khác nhau.
Ngoài ra, nộp lệ phí đủ cũng là điều kiện bắt buộc để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
>> Cẩm Nang Lập Kế Hoạch Kinh Doanh Chi Tiết Từ A – Z [Kèm Bản Mẫu]